Hoa lan Hồ Điệp khiến ai gặp lần đầu cũng phải thốt lên bởi nét không thể trộn lẫn. Bài viết này sẽ mách bạn cách trồng và chăm sóc vị “nữ hoàng của các loài hoa lan” thật thành công nhé!
Lan Hồ Điệp (tên khoa học là Phalaenopsis) có xuất xứ từ các nước Đông Nam Á, trên dãy núi Himalaya và các vùng núi thuộc Philippines. Về sau giống lan này được phát triển và lai tạo tại phòng nuôi cấy mô nên có nhiều màu sắc phong phú từ trắng, tím, vàng, đỏ.
Hồ điệp không chỉ có ý nghĩa là sự cao sang, quý phái mà còn là sứ giả truyền tải cảm xúc một cách nhẹ nhàng. Hơn nữa, hoa mang đến cho chúng ta chân lí của vẻ đẹp hoàn thiện.
Loài hoa này được người chơi hoa, cây cảnh rất ưu chuộng. Bởi hoa không chỉ có sự đa dạng về chủng loại, màu sắc đặc biệt là giống hoa lâu tàn nhất. Nếu biết cách chăm sóc thời gian ra hoa kéo dài từ 3-4 tháng, có khi 6 tháng. Và hoa sẽ ra nhiều đợt mới khi được chăm sóc tốt, khỏe mạnh.
Bạn cần chú ý một số kinh nghiệm cơ bản để trồng và chăm sóc lan Hồ Điệp hiệu quả và giảm chi phí:
Chuẩn bị
- Chọn giống: Cây có từ 2-4 lá, khoảng cách giữa 2 lá từ 3-5 cm.
- Chuẩn bị chậu: Nên dùng chậu màu trắng và nông giúp cây dễ quang hợp. Đặc biệt, kích thước chậu phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây.
- Chuẩn bị giá thể:
- Là bước quan trọng, tạo môi trường cho cây phát triển và bám rễ. Yêu cầu với giá thể cần tơi xốp, thoáng khí, đồng thời có khả năng giữ nước như: các loại mùn cây, than mùn khô, hạt đá nhỏ, rêu. Mỗi loại giá thể có cách trồng và chăm sóc khác nhau nhưng phổ biến nhất là rêu.
- Rêu cần khử trùng trước khi đưa vào trồng (Daconil 75WP 8g/10 lít nước, trong 30 phút, sau đó vắt khô).
Kỹ thuật trồng hoa lan
- Bạn dùng giá thể bao kín lấy rễ. Lưu ý, để cho cây lan Hồ Điệp phát triển tốt thì độ chặt của giá thể rất quan trọng. Nếu giá thể không đảm bảo, cây sẽ không đủ chất dinh dưỡng để phát triển như ý muốn.
Giá thể cần có độ chặt vừa phải để rễ cây kí sinh có độ thông thoáng. Tránh việc rễ bị úng nước, phát bệnh.
- Bạn đặt cây ở trung tâm của chậu, đảm bảo rễ cây đã bám hết được giá thể.
- Giá thể cách miệng chậu khoảng 0,5cm.
Lưu ý chăm sóc cây sau khi trồng
Độ ẩm và tưới nước cho cây
- Sau khi cây lan Hồ Điệp được trồng khoảng 3 tuần, bạn chỉ nên tưới nước nhẹ trên mặt lá. Và sau 6 tuần, bạn có thể tưới nước trực tiếp vào bầu. Về sau, lượng nước có thể chiếm ½ đến 1/3 bầu cây.
- Lan Hồ Điệp cần 50-80% độ ẩm. Nếu độ ẩm thấp hơn cần cung cấp nước cho cây và môi trường xung quanh chậu trồng. Ngược lại, nếu ẩm độ cao hơn mức quy định cần chú ý tăng độ thông thoáng cho cây.
Kĩ thuật bón phân
– Thứ nhất, rễ cây kí cây cùng với giai đoạn cây còn nhỏ nên yêu cầu lượng phân rất ít. Phân bón cho cây lan Hồ Điệp là các loại phân NPK tổng hợp có hàm lượng đạm cao. Dùng phân HT – Orchid pha với tỉ lệ 3g/10 lít nước và chu kì 7-10 ngày/1 lần tưới.
Ánh sáng, nhiệt độ
Mùa hè giảm bớt từ 80 – 90% lượng ánh sáng bình thường, mùa đông từ 60-70%.
Nhiệt độ phù hợp từ 25 – 31 độ C.
Phòng bệnh cho cây
Quan sát phần lá bệnh ít, tỉ lệ vàng úa chưa quá 1/3 bạn nên giữ lại bằng cách dùng dao lam sắc khoét bỏ phần lá bị hỏng. Đối với các lá bị bệnh nhiều, mặt sau lá có dấu hiệu nấm, nhện loang rộng nên cắt bỏ hoàn toàn.
Bạn cần chú ý theo dõi tình hình sâu bệnh của cây. Một số loại sâu hại giống thường xuyên xuất hiện như sâu đục nụ, nhện, rệp đỏ, ốc sên… Bạn cần dùng nước xà phòng để loại bỏ sâu trên lá rồi lau lại thật sạch bằng miếng vải mềm. Trường hợp cây bị phá hại nặng, chúng ta có thể sử dụng thuộc trừ sâu thương mại để trị bệnh.
Cách phòng bệnh tốt nhất cho cây lan Hồ Điệp là luôn chú ý vệ sinh chậu, lá cây. Qua đó tạo môi trường thông thoáng, hạn chế vi nấm xuất hiện. Trước khi thay phải nhớ vệ sinh chậu trồng và chuẩn bị chất trồng mới cho lan. Sau đó để cây ở nơi có ánh sáng yếu như: hiên nhà, dưới tán cây hoặc để cây dưới mái che có ánh sáng 70% để cây có thời gian hồi sức.
Để có được những nhành hoa lan Hồ Điệp luôn tươi tắn, khỏe mạnh, người chơi cây cần có một chút tỉ mỉ, một chút cẩn thận và nhất là kiến thức cơ bản. Hi vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn thành công!