Lan trầm tím là một giống lai lan lai tạo giữa cây Dendrobium anosmum – Dã hạc, Phi điệp và cây Dendrobium parishii – Song hồng, Hoàng thảo tím được Veitch cầu chứng vào năm 1893 với tên Den Nestor.
Lan Trầm Tím là lan gì?
Thân cây lan trầm tím không giống như Den anosmum dài từ 80 phân đến 1,5 th và cũng không quá mập mạp như Den. parishiitừ 20-40 phân. Thân cây Den. Nestor hơi ngắn và lên thẳng như cây Den. parishii chứ không quá dài và buông thõng xuống như Den. anosmum. Thừa hưởng đặc tính di truyền của cây cha và cây mẹ cho nên rất thơm, nhưng mùi thơm nhẹ nhàng dễ chịu như hương trầm chứ không quá hắc. Hoa khá giống 2 cây cha mẹ nhưng có mầu tím hồng rất đẹp.
Lưu ý khi trồng lan Trầm Tím
Qua kinh nghiệm học hỏi thêm về những cây phong lan thuộc nhóm rụng lá mới biết rằng mình đã phạm nhưng lỗi lầm quan trọng như sau:
- Dùng chậu quá lớn, trong khi cây lan lại ưa chậu chật hẹp cho rễ bó lại với nhau (root bound).
- Khi tưới phải đợi cho cây khô rễ rồi mới tưới, tức là tưới thưa ra. Mùa hè không tưới nhiều nước và bón phân đầy đủ nên cây con không mọc mạnh.
- Không tôn trọng thời kỳ chuẩn bị ra hoa, vẫn tưới nước và bón phân như thường làm cho thối rễ và cây bị mất sức. Xin xem chi tiết trong bài “Thời Kỳ Nghỉ Ngơi”.
- Lỗi lầm quan trọng nhất là đã cắt bỏ những thân cây già. Nên nhớ thân cây tuy già nhăn nheo nhưng vẫn có thể ra hoa vào mùa tới và chính là bầu sữa nuôi những cây còn nhỏ.
- Một nguyên nhân khác là ở ngoài thiên nhiên, lan tự do mọc thẳng lên hay cong quẹo hay rũ xuống nay bị chúng ta cột thẳng lên làm cho nhựa cây khó dồn lên ngọn làm cho thân cây ngắn lại, vì vậy nên để lan mọc theo ý muốn.
Cách trồng lan Trầm Tím
Những cây cùng một nhóm rụng lá như: Den. anosmum, Den. friedericksianum, Den. heterocarpum, Den. lituiflorum, Den. parishii, Den. pierardii, Den. primulinum v.v… cách trồng đều giống như nhau với hợp chất như sau: Vỏ thông cở vừa 25%, than củi nhỏ 25%, đá nhỏ 25% và 30% perlite.
Ánh sáng cần khoảng 3000-4000 ánh nến, và cần có lưới che đề phòng bị cháy lá.
Mùa hè càng nóng, càng phải tưới cho thật nhiều và ẩm độ càng cao, càng tốt (70-90%). Bón phân 30-10-10 hay 20-20-20 mỗi tuần.
Mùa Thu hay từ tháng 10 trở đi, khi thấy lá cây úa vàng tưới ít đi và bón phân 10-30-20 và phun thuốc 0-50-0 để kích thích cho cây ra nụ. Vào thời kỳ này nếu ban đêm không lạnh xuống dưới 55-60°F hay 13-15°C trong vòng 4-6 tuần lễ sẽ khó lòng có hoa. Ngưng hẳn việc tưới bón vào tháng 12, nhưng thỉnh thoảng phải phun nước cho thân cây khỏi bị teo tóp, nhăn nheo.
Vào cuối mùa Đông hay đầu mùa Xuân, cây bắt đầu nhú nụ ở các đốt phía trên gần ngọn, lúc này hãy tưới sơ qua hoặc phun nước cho thật đẫm. Nếu chúng ta chú ý sẽ thấy ở ngoài thiên nhiên, thời gian này sẽ có nhưng trận mưa phùn hay mưa bụi làm cho thân cây đẫm nước, căng phồng nhưng rễ chỉ ẩm chứ không ướt sũng những nước.
Khi hoa nở, tưới nước điều hòa và khi hoa tàn ngưng tưới nước cho tới khi thấy cây con mọc ra ở gốc hay các các cây (keikies) mọc ở các đốt gần ngọn hay ở phía dưới các đốt đã ra hoa. Những cây con, thường mọc ra sớm hơn có thể là từ khi cây ra nụ và có thể ra hoa vào mùa tới, còn các cây keiki phải đến mùa hoa sang năm. Hãy đợi khi cây keiki mọc rễ dài chừng 3-4 phân mới tách ra khỏi cây mẹ và trồng vào các chậu nhỏ dưới 10 phân.
Mỗi chậu lan cần có ít nhất 2 thân cây già trụi lá để nuôi các cây con.
Cách trồng tốt nhất là trồng trong chậu gỗ và treo nơi thoáng gió, hoặc trồng trong những giỏ treo ngược cho cây buông thõng xuống bởi vì thân cây quá dài làm cho chậu nhựa bị lật nghiêng và nước tưới khó lòng vào trong chậu.
Nguồn tham khảo: vuonlan.net