Hoa lan chu đinh với vẻ đẹp duyên dáng, màu sắc đa dạng, lộng lẫy cùng hương thơm dịu nhẹ khiến nhiều người yêu thích và muốn sở hữu. Cách trồng hoa lan chu đinh cũng không hề khó và không tốn nhiều công để chăm sóc. Trong bài viết dưới đây, Trongphonglan.com sẽ chia sẻ với bạn kỹ thuật nhân giống loài hoa này.
1. Giới thiệu về hoa lan chu đinh
Lan chu đinh có tên khoa học là Spathoglottis plicata, là một trong những loài lan được săn đón nhất hiện nay. Cây có củ giả nhỏ, thân cây cao khoảng 40-50cm, lá cây thuôn dài xanh thẫm.
Những bông hoa chu đinh được mọc ra từ đỉnh cành, mỗi cành có từ 7-10 bông chụm lại. Lan chu đinh nở hoa hầu như quanh năm, những cánh hoa có màu tím hoặc trắng, họng hoa vàng tươi vô cùng bắt mắt.
Loài cây này rất dễ trồng, ưa sáng, có thể thích nghi với mọi điều kiện môi trường khác nhau. Cây có thể trồng trong chậu cảnh hoặc trồng ở hàng rào, ven tường đều được.
2. Ý nghĩa của hoa lan chu đinh
Ngoài vẻ đẹp tinh tế, thanh lịch, sang trọng cùng khả năng điều hòa không khí tuyệt diệu, thì lan chu đinh còn được dùng làm quà tặng trong các dịp đặc biệt như lễ tết, tân gia, khai trương, sinh nhật,…
Trong phong thủy, lan chu đinh là biểu tượng cho sự bình yên, chúng mang đến nguồn năng lượng tích cực người trồng, giúp gia chủ tránh khỏi những điều xui xẻo, không may.
Bên cạnh đó, loài hoa này này còn mang đến sự may mắn và tiền tài cho người trồng. Chúng được xem là “thần hộ mệnh” cho những nhà lãnh đạo. Thân cây vươn thẳng, có sức sống kiên cường thể hiện ý chí phấn đấu, vượt lên mọi khó khăn thử thách.
3. Cách trồng hoa lan chu đinh hiệu quả
3.1. Chuẩn bị trồng hoa lan chu đinh
– Chuẩn bị chậu trồng
Giống lan này có lá dài, rủ xuống nên bạn hãy chọn những chiếc chậu có kích thước rộng và cao. Nên dùng chậu đục lỗ bên hông để có khả năng thoát nước tốt. Bạn có thể dùng một ít đá xanh nhỏ lót dưới đáy chậu giúp rễ cây không chui ra ngoài và cây mau có hoa hơn.
– Chuẩn bị đất trồng
Loại đất thích hợp nhất được dùng để trồng lan chu đinh là đất pha cùng vỏ thông, sỏi, than củi với tỷ lệ thích hợp là 1: 1: 1 : 1. Vỏ thông có công dụng giữ ẩm, sỏi giúp đất thông thoáng hơn, còn than cũi sẽ giúp đất có thêm dinh dưỡng.
Trước khi trồng bạn cần phải xử lý mọi mầm bệnh trong đất, ủ đất cùng các nguyên liệu trên trong vòng 2 tuần để đất đảm bảo dinh dưỡng và an toàn nhất.
3.2. Tiến hành trồng hoa lan chu đinh
Phương pháp nhân giống lan chu đinh được thực hiện phổ biến nhất hiện nay chính là tách bụi. Phương pháp này đơn giản, dễ thực hiện lại giúp cây nhanh ra hoa nhất. Cách thực hiện như sau:
Sau khi cây mẹ trồng được một thời gian thì bạn sẽ tiến hành tách cây con. Hãy nhẹ nhàng tách cây mẹ thành nhiều khóm nhỏ khác nhau, mỗi nhóm có ít nhất 2 thân cây. Cần cắt bỏ những lá bị thối, rễ bị hỏng để đảm bao cây giống con mạnh khỏe, không có nguồn sâu bệnh.
Tiếp đó hãy dùng dung dịch khử trùng để sát trùng và làm khô vết tách giúp cây mẹ mau lành, không bị tổn thương hay ảnh hưởng đến sự phát triển về sau.
Dùng nước sạch để rửa sạch các khóm lan con vừa tách. Cần thực hiện nhẹ nhàng để cây không bị dập hay đứt rễ. Rửa xong nên để vào rổ cho khô ráo.
Cuối cùng tiến hành trồng lần lượt những cây giống vào chậu đất trồng đã chuẩn bị. Đất cần phủ kín 1/3 thân cây lan. Tưới nước rồi đặt chậu cây ở nơi thoáng mát để cây phát triển.
4. Cách chăm sóc hoa lan chu đinh
4.1. Điều kiện nhiệt độ
Nhiệt độ thích hợp nhất để lan chu đinh phát triển bình thường là từ 20 – 30 độ C. Nếu nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao sẽ khiến cây chậm lớn, không ra chồi và không có hoa.
4.2. Điều kiện ánh sáng
Ánh sáng rất quan trọng cho sự phát triển của hoa lan chu đinh này. Nếu thiếu ánh sáng cây sẽ yếu ớt, còi cọc, tuy nhiên nếu quá thừa ánh sáng thì cây lại dễ bị hỏng lá, biến đổi màu sắc của hoa. Do đó bạn cần đặt cây nơi khô thoáng, có ánh sáng tự nhiên nhưng không được nắng gắt.
4.3. Tưới nước cho cây
Đảm bảo rễ cây luôn ẩm thì bạn cần tưới nước mỗi ngày cho cây vào sáng sớm hoặc chiều tối. Trong giai đoạn cây phát triển hoặc ra hoa thì cần tăng lượng nước tưới cho cây vì lúc này cây cần nhiều nước. Khi cây đã nở hết hoa thì có thể giảm bớt lượng nước tưới lại.
4.4. Bón phân cho cây
Vào giai đoạn cây nảy mầm tới khi giả hành phát triển hoàn chỉnh thì bạn cần bón những loại phân có lượng N cao hơn. Tới khi cây chuẩn bị ra hoa thì lại dùng phân bón có lượng P cao hơn. Như vậy cây mới có đủ dinh dưỡng để tạo chồi và nuôi hoa.
5. Phòng ngừa sâu bệnh cho hoa lan chu đinh
Hoa lan chu đinh có sức sống mãnh liệt, đề kháng sâu bệnh tốt nên ít khi bị bệnh. Trong quá trình chăm sóc, có thể cây sẽ gặp tình trạng khô héo lá, bị bọ rệp, rầy tấn công.
Lúc này bạn cần thường xuyên theo dõi tình trạng của cây, nên cắt bỏ bớt cành lá khô sâu để loại bỏ nguồn bệnh, diệt trừ các loài sâu hại.
Nếu cây bị bệnh nặng thì sử dụng các loại thuốc trừ sâu hóa học có bán ở các cửa hàng cây giống để phun cho cây theo đúng hướng dẫn trên bao bì.
Với kiến thức đã chia sẻ ở trên, Trongphonglan.com hy vọng sẽ giúp bạn đọc có thêm kinh nghiệm về cách trồng hoa lan chu đinh. Loài hoa này rất dễ trồng và nếu được chăm sóc kỹ lưỡng thì cây sẽ luôn tươi tốt, ra hoa đều và đẹp, góp phần tô điểm cho khu vườn nhà bạn thêm lung linh, rực rỡ hơn. Chúc các bạn thành công!